Để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội xuân năm 2016. Ban An toàn giao thông tỉnh hướng dẫn tuyên truyền một số hành vi là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông như sau:
1. Đã uống rượu, bia thì không lái xe
Rượu, bia từ lâu đã được coi là đồ uống không thể thiếu mỗi khi Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên, uống như thế nào để vừa vui, vừa bảo đảm sức khỏe trong nhũng ngày Tết thì không phải ai cũng làm được. Tết Nguyên đán là dịp để gia đình, anh em, bạn bè đoàn tụ, nâng cốc chúc nhau sức khỏe và năm mới an lành, việc uống rượu, bia trong những ngày cuối năm và dịp lễ tết đã trở thành phong tục của ngưòi Việt Nam. Cho nên, có thể nói rằng việc uống rượu, bia là dịp để tri âm, thắt chặt tình nghĩa, tạo mối quan hệ gắn bó giữa con người với nhau, tuy nhiên việc lạm dụng nhiều rượu, bia sẽ rất có hại đối với cơ thể, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, ý chí con người; người dùng rượu, bia nhiều sẽ gây ức chế thần kinh, dễ bị kích động, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, không kiểm soát được các hành vi của mình, đặc biệt khi điều khiển phương tiện sẽ vi phạm trật tự, an toàn giao thông như: chạy quá tốc độ quy định; chạy không đúng làn đường, phần đường; lạng lách; vượt không đảm bảo an toàn...; khi có tình huống đột ngột xảy ra thì xử lý chậm (do đã có sử dụng rượu, bia) cho nên thường dễ dẫn đến tai nạn giao thông và kèm theo đó là những hệ lụy đau thương cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, khi đã uống rượu, bia thì chúng ta không đưọc điều khiển xe và nên đi xe taxi, xe ôm hoặc nhờ người thân, bạn bè những người chưa uống rượu, bia đưa về nhà cho đảm bảo an toàn.
Trong năm 2015, trên địa bản tỉnh Tây Ninh lực lượng chức năng đã xử lý rất quyết liệt với hành vi điều khiển xe mà trong hơi thở vượt quá nồng độ cồn cho phép, đã xử phạt hơn 24.000 trường hợp vi phạm với số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 23 tỷ đồng.
Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chính vì vậy, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động phải gương mẫu chấp hành Luật Giao thông đường bộ và khi về nhà phải có trách nhiệm nhắc nhở người thân, con cháu trong gia đình và bạn bè, hàng xóm láng giềng khi tham gia giao thông phải chú ý chấp hành đúng pháp luật giao thông nhằm bảo vệ chính mình và những người tham gia giao thông trên đường.
2. Không chở quá số người quy định
Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển môtô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được phép chở tối đa hai người:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 14 tuổi.
Xử lý vi phạm trên với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi chở theo 2 người trên xe.
3. Không sử dụng điện thoại di động khi lái xe
Khi đang điều khiển xe mà nhắn tin hoặc nghe, gọi bằng điện thoại di động sẽ làm cho người lái xe mất tập trung, rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nếu gặp tình huống bất ngờ, người lái xe sẽ không thể phản xạ xử lý kịp thời, dẫn đến tai nạn giao thông. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, khi tham gia giao thông muốn sử dụng điện thoại, nên chọn địa điểm an toàn thích hợp và báo tín hiệu an toàn dừng lại sát lề đường để nhắn tin, nghe hoặc gọi điện thoại.
Xử lý hành vi vi phạm trên với số tiền phạt từ 60 - 80 ngàn đồng.
4. Điều khiển xe đi đúng làn đường, phần đường quy định
Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh cho thấy nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, đi không đúng làn đường, phần đường quy định. Vì vậy, khi tham gia giao thông chúng ta phải chú ý quan sát thật an toàn, phải đi đúng làn đường, phần đường quy định đối với phương tiện của mình đang điều khiển.
Luật Giao thông đường bộ quy định: Trên đường có nhiều làn đường cho xe cùng chiều được phân biệt bằng vạch sơn kẻ phần làn đường, lái xe phải cho xe đi trong một làn đường được quy định cho loại xe mình điều khiển; chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước một thời gian thích hợp và phải chú ý quan sát bảo đảm an toàn. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
5. Chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu giao thông
Khi tham gia giao thông trên đường có đèn tín hiệu giao thông thì tất cả các loại phương tiện ( ôtô, máy kéo, môtô, xe máy, xe máy điện, xe đạp và người đi bộ) khi có tín hiệu đèn đỏ thì tất cả phải dừng lại trước vạch quy định. Tuỳ loại phương tiện vi phạm có quy định mức xử phạt nghiêm.
* Ghi chú: Thông tin, phản ánh về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh hãy liên hệ số điện thoại: Chánh Thanh tra sở Giao thông Vận tải 0919808357 hoặc Trực ban Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh 0663.822000.