Tầm quan trọng của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ qua con
Khi mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3-5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa).
Ở nước ta ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai. Với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 4.000-6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV.
Nếu không được can thiệp mỗi năm sẽ có 1.500-3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, mỗi năm chỉ còn khoảng 150-200 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn trẻ sẽ được cứu thoát khỏi căn bệnh HIV.
Do đó, xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng là rất quan trọng, nhằm:
· Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
· Giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự quyết định các vấn đề về sinh con, về thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
· Giúp phụ nữ mang thai chưa nhiễm HIV biết về HIV, về xét nghiệm HIV, về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ...
· Giúp phụ nữ mang thai thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con ...
· Hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý và giúp cho phụ nữ mang thai nhiễm hiv
Những biện pháp can thiệp giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Với những phụ nữ mới được phát hiện nhiễm HIV khi mang thai, việc nhận kết quả HIV dương tính ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý. Do đó họ rất cần được chăm sóc về thể chất, tinh thần cũng như tiếp cận những biện pháp can thiệp giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trong khi mang thai: Thực hiện tư vấn đầy đủ trước và sau xét nghiệm HIV. Tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh; về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này.
Tư vấn hỗ trợ tinh thần, thực hiện các hành vi an toàn tránh để lây nhiễm HIV cho bản thân và người xung quanh. Đồng thời tập huấn sẵn sàng điều trị bằng ARV và thực hành tuân thủ thuốc ARV.
Trong khi sinh: Đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa. Hạn chế các thủ thuật: bấm ối, mổ lấy thai, đặt điện cực, rạch màng ối sớm. Tắm cho trẻ ngay sau sinh.
Sau khi sinh: Thực hiện cấp phát đủ liều thuốc ARV cho mẹ nếu mẹ và trẻ được xuất viện sớm. Chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho người lớn để người mẹ được chăm sóc và điều trị lâu dài.
Chăm sóc và tiếp tục điều trị dự phòng cho trẻ
Cấp phát đủ liều thuốc ARV cho trẻ và hướng dẫn mẹ hoặc người chăm sóc thực hành tuân thủ điều trị ARV cho trẻ. Trong trường hợp cần thiết, hẹn tái khám để cấp thuốc và tư vấn thêm.
Giới thiệu trẻ đến với các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài, khi trẻ được 4-6 tuần tuổi. Nếu trẻ mồ côi thì động viên gia đình tiếp tục chăm sóc trẻ hoặc giới thiệu trẻ đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi.
Về tiêm chủng, sau khi sinh trẻ cần được tiêm vac xin theo đúng lịch tiêm chủng như trẻ bình thường (ví dụ vac xin phòng bệnh viêm gan B, vac xin phòng bệnh lao)
Nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh
Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ này cao nhất ở những người vừa cho con bú sữa mẹ vừa cho con ăn thức ăn thay thế, sau đó mới đến những người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Phụ nữ nhiễm HIV chỉ nên chọn một cách nuôi con, hoặc là bú sữa mẹ hoặc là bú sữa ngoài hoàn toàn. Tuyệt đối không nên cho trẻ vừa bú mẹ vừa bú sữa ngoài thay thế, vì sẽ làm tăng cao nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ, thậm chí cao hơn là nếu trẻ chỉ bú mẹ.
Nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV và đảm bảo tuân thủ điều trị tốt để đạt tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế. Trong trường hợp không thể đảm bảo điều trị thì người mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.
Nếu các bà mẹ không có sự lựa chọn nào khác mà quyết định cho con bú sữa mẹ thì cần phải vệ sinh đầu vú sạch sẽ, thường xuyên và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không dùng sữa thay thế hay bất cứ thức ăn, nước uống nào khác. Đặc biệt, cần ngừng cho trẻ bú càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ 6 tháng tuổi. Khi ngừng cho trẻ bú sữa mẹ cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế như sữa bột, bột, cháo. Bên cạnh đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và xét nghiệm nhằm xác định sớm tình trạng nhiễm HIV, điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.
(Nguồn: https://bvdkbacninh.vn/tin-tuc/y-te-tinh/tam-quan-trong-cua-du-phong-lay-truyen-hiv-tu-me-qua-con-3290)
Lợi ích khi tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV phụ nữ mang thai
(NTO) Khi phụ nữ mang thai, phát hiện nhiễm HIV càng sớm và thực hiện can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ con ngay từ đầu thai kỳ sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, thì nguy cơ lây truyền HIV cho con chỉ còn dưới 5%, ngược lại, nếu không điều trị dự phòng, khả năng lây truyền HIV cho con là từ 25-40%.
Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, vi-rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ-thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ); 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...). Việc can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong thời kỳ trước sinh, trong khi sinh và sau sinh sẽ làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ, cụ thể như:
Can thiệp trước khi sinh xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng thuốc ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Can thiệp trong khi sinh với những phụ nữ chưa tiếp cận với các biện pháp can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn… Cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng và can thiệp sau khi sinh là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, cần hướng dẫn người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ, ngoài ra trẻ cần được theo dõi và điều trị ARV.
Để bảo vệ thế hệ tương lai khỏi căn bệnh thế kỷ, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của mình về đại dịch HIV/AIDS; mỗi cặp vợ chồng khi có kế hoạch sinh con cần tự nguyện tham gia thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS. Phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai nghén kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để được tư vấn về cách phòng tránh lây nhiễm.
(Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/97595p0c88/loi-ich-khi-tu-van-xet-nghiem-phat-hien-som-nhiem-hiv-phu-nu-mang-thai.htm)
Mẹ nhiễm HIV, vẫn có thể sinh con khỏe mạnh
Để người mẹ nhiễm HIV có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh, việc điều trị bằng ARV (thuốc kháng virus HIV) cho mẹ và dự phòng cho trẻ là hết sức quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng, Chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến năm 2019, toàn tỉnh Đắk Lắk có 2.364 ca nhiễm HIV, trong đó có 1.259 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và 462 ca tử vong do AIDS.
ThS.BS Chu Đức Thảo, Khoa Phòng, Chống HIV/AIDS cho biết: Hàng năm, toàn tỉnh có không ít phụ nữ mắc HIV mang thai. Tuy nhiên, nhờ được can thiệp, uống thuốc ARV đều đặn và đầy đủ, nên trẻ sinh ra đều khỏe mạnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh có 8 sản phụ mắc HIV mang thai và sinh con. Trong đó có 3 trường hợp sản phụ uống thuốc ARV trước khi mang thai, 4 trường hợp sản phụ uống thuốc ARV sau khi mang thai và 1 trường hợp sản phụ chuyển dạ, sinh con mới phát hiện mắc HIV nhưng được uống thuốc dự phòng ARV khi sinh. Điều đáng mừng là khi chào đời, cả 8 trẻ đều âm tính với virus HIV.
Theo ThS.Bs Chu Đức Thảo, thực tế, người mẹ nhiễm HIV có thể truyền bệnh cho con qua các giai đoạn:
- Khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ truyền qua nhau thai vào cơ thể thai nhi từ rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ.
- Khi người mẹ sinh con, HIV lây từ dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ và khi cho con bú, HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ.
Tuy nhiên, người phụ nữ mắc bệnh HIV nếu được phát hiện sớm, sử dụng thuốc kháng virus ARV cho bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ từ 25% xuống còn 2%, thậm chí thấp hơn. Ngay cả khi chỉ uống thuốc dự phòng ARV trong chuyển dạ và 24 - 48 giờ đầu sau sinh cũng có khả năng giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm cho trẻ, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chưa đến 10%.
ThS.Bs Chu Đức Thảo khuyến cáo: Để có một thai kỳ khỏe mạnh và con sinh ra không bị lây nhiễm HIV, sản phụ nên tầm soát HIV. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Một điều cần lưu ý đối với những người mẹ mắc HIV khi mang thai và sinh con là không nên cho con bú bằng sữa mẹ. Mặc dù trên thực tế, sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, có chứa nguồn dưỡng chất quý giá, nhưng nếu cho trẻ sơ sinh ăn sữa mẹ bị nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm là rất cao, chiếm khoảng 30%. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn và giúp hạn chế khả năng lây nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh thì nên sử dụng nguồn sữa thay thế.
(Nguồn: http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/5772-me-nhiem-hiv-van-co-the-sinh-con-khoe-manh.html)
(Đăng tin tuyên truyền trên cơ sở chỉ đạo tại Công văn số 1883/SGDĐT-GDTrH ngày 03/6/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh về việc triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021)