Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới đến năm 2030 do Liên Hiệp Quốc đặt ra ngày 27/9/2015, có một mục tiêu là Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc (SDG 3 - Good Health and Well-being). Một trong các điểm đích mà SDG 3 cần đạt được đến năm 2030 là chấm dứt dịch bệnh AIDS, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên và phòng chống viêm gan, bệnh do nước nhiễm khuẩn và các bệnh truyền nhiễm khác (By 2030, end the epidemics of AIDS, tuberculosis, malaria and neglected tropical diseases and combat hepatitis, water-borne diseases and other communicable diseases)
Tại Việt Nam, hoạt động phòng chống HIV/AIDS được thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ với thế giới và đến nay đã đạt được nhiều thành quả nhất định. Các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã được mở rộng. Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp, công cụ mới tiếp cận với người dân, tăng cường dịch vụ dự phòng, giúp những người nhiễm HIV được điều trị. Đặc biệt, chúng ta đã thành công trong việc tránh phân biệt đối xử, kỳ thị người nhiễm HIV bằng các biện pháp giáo dục, tuyên truyền. Chính phủ cũng đã đưa vấn đề HIV vào bảo hiểm y tế. Điều này là một hỗ trợ rất lớn với người nhiễm HIV thường phải điều trị, sử dụng thuốc đến hết đời. Trong thời gian tới, việc đưa xét nghiệm nhanh HIV đến với cộng đồng sẽ được triển khai thực hiện nhằm phát hiện người nhiễm HIV nhanh nhất, đồng thời tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị thuận lợi nhất và sớm nhất.
THÁNG HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG
HIV/AIDS NĂM 2017
Hoạt động tháng hành động phòng chống HIV/AIDS từ ngày 10/11/2017 đến ngày 10/12/2017 nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống HIV/AIDS, đưa thông tin về hoạt động phòng chống HIV/AIDS đến cho người dân, vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân nâng cao kiến thức, góp phần tạo nên sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh đạt được mục tiêu chấm dứt dịch đến năm 2030.
Từ năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Đạt mục tiêu đó là tiền đề hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030:
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, như vậy công tác giám sát và xét nghiệm đã được làm tốt; nếu 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục, thì chúng ta đã làm tốt công tác điều trị, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con; nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, tức là tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của người bệnh. Như vậy, nếu chúng ta đạt được ba mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như LHQ đề ra.
Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS, Việt Nam cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán về chăm sóc, điều trị. Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại cần ưu tiên tập trung các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng, như truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm kim tiêm, bao cao-su, điều trị Methadone. Về xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, cần tập trung mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ tự xét nghiệm. Đồng thời, mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tuyến huyện bằng ba test nhanh. Tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới: điều trị ARV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, tổ chức điều trị ARV cho các đối tượng trong trại giam, trung tâm 06. Đồng thời tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững…
LUẬT PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM
Từ năm 2006, Việt Nam đã có luật Phòng chống HIV/AIDS số 64/2006/QH11 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/06/2006 với một số điểm trọng tâm:
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV
1. Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:
a) Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;
b) Được điều trị và chăm sóc sức khoẻ;
c) Học văn hoá, học nghề, làm việc;
d) Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;
đ) Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;
e) Các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;
b) Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết;
c) Thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS
1. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hợp tác, giúp đỡ dưới mọi hình thức trong phòng, chống HIV/AIDS; phát triển các mô hình tự chăm sóc của người nhiễm HIV.
2. Hỗ trợ sản xuất thuốc kháng HIV trong nước; thực hiện các biện pháp giảm giá thuốc kháng HIV.
3. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức đào tạo và tuyển dụng người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ vào làm việc hoặc đầu tư nguồn lực vào phòng, chống HIV/AIDS.
4. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phòng, chống HIV/AIDS.
5. Huy động và điều phối các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tình hình dịch HIV/AIDS của đất nước trong từng giai đoạn.
6. Hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống HIV/AIDS.
7. Hỗ trợ phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nuôi dưỡng trẻ em dưới 6 tháng tuổi sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV bằng sữa thay thế và bệnh nhân AIDS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
8. Điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.
2. Đe dọa truyền HIV cho người khác.
3. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
4. Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.
5. Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.
6. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.
7. Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này.
8. Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.
9. Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.
10. Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.
11. Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.
12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS
1. Mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
2. Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng sau đây:
a) Người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ;
b) Người sử dụng ma túy, người bán dâm;
c) Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
d) Người có quan hệ tình dục đồng giới;
đ) Nhóm người di biến động;
e) Phụ nữ mang thai;
g) Người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG
HIV/AIDS ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
Ngày 25/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 608/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Chiến lược nêu rõ bối cảnh ban hành chiến lược, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhiều đề án với mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung hoạt động và tổ chức thực hiện cụ thể, là những hoạt động phòng chống HIV/AIDS hữu hiệu: 1 - Đề án dự phòng lây nhiễm HIV; 2 - Đề án chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS; 3 - Đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; 4 - Đề án giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS,
MỤC TIÊU CHUNG CỦA CHIẾN LƯỢC
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
MỘT SỐ MỤC TIÊU CỤ THỂ CỦA CHIẾN LƯỢC
Tăng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2020;
Tăng tỷ lệ người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2020;
Giảm 50% số trường hợp nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 so với năm 2010;
Giảm 50% số trường hợp nhiễm mới HIV do lây truyền HIV qua đường tình dục vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 so với năm 2010;
Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020 …
ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 ĐẠT MỤC TIÊU “BA KHÔNG” CỦA LIÊN HIỆP QUỐC:
Không còn người nhiễm mới HIV,
Không còn người tử vong do AIDS
Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS.
THÔNG ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG AIDS
Michel Sidibé
Tổng Giám đốc UNAIDS
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, chúng ta cùng nhau nêu bật tầm quan trọng của quyền về sức khỏe và những thách thức mà những người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn đang phải đối mặt trong việc thực hiện quyền về sức khỏe.
Quyền về sức khỏe là một quyền cơ bản của mọi người dân – nghĩa là tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được. Quyền này đã được công nhận tại Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1996.
Chúng ta sẽ không thể hoàn thành được các Mục tiêu Phát triển Bền vững – trong đó có mục tiêu kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030 – nếu người dân không thực hiện được quyền của họ về sức khỏe. Quyền về sức khỏe có mối liên hệ khăng khít với một loạt các quyền con người khác, bao gồm quyền về vệ sinh sạch, thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở an toàn, các điều kiện lao động tốt và một môi trường tự nhiên trong sạch.
Quyền về sức khỏe mang hàm ý rộng, và có thể được hiểu là mọi người dân đều có quyền như nhau về chăm sóc sức khỏe; là có đủ hạ tầng cơ sở y tế bảo đảm chất lượng; là việc cung cấp các dịch vụ y tế không phân biệt đối xử và tôn trọng phẩm giá của con người; là dịch vụ y tế phù hợp với người bệnh và bảo đảm chất lượng.
Kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống AIDS, chúng ta lại tưởng nhớ những người thân, người bạn và đồng bào đã mất vì AIDS và một lần nữa khẳng định cam kết của chúng ta sẽ đoàn kết với những đồng bào của chúng ta đang sống với HIV hay chịu ảnh hưởng bởi HIV.
Ngay từ những ngày đầu phòng chống AIDS, đáp ứng của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng quyền của mọi người dân về sức khỏe và quyền được sống tốt. Chúng ta luôn luôn vận động cho việc xây dựng các hệ thống y tế tôn trọng và bảo đảm quyền về sức khỏe của mọi người dân, từ đó thúc đẩy các nỗ lực giúp tất cả các quốc gia và mọi người dân trên toàn thế giới hiểu về HIV: làm thế nào để dự phòng lây nhiễm HIV và để điều trị HIV.
Vẫn còn quá nhiều người dân – đặc biệt là những người dân yếu thế và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi HIV – đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận tới các dịch vụ về y tế và xã hội mà họ vô cùng cần được sử dụng. Chúng ta cần phải tiếp tục chung vai, giúp đỡ những người dân còn đang bị tụt lại phía sau để bảo đảm rằng không một người dân nào bị từ chối các quyền mà họ đáng được hưởng.
Trong năm 2017 vừa qua, chúng ta đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Gần 21 triệu người sống với HIV đang được điều trị kháng vi-rút, số ca nhiễm HIV mới và số người tử vong do AIDS đã giảm xuống ở nhiều khu vực. Nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là. Ở khu vực Đông Âu và Trung Á, số nhiễm HIV mới đã tăng 60% kể từ năm 2010 và số người tử vong do AIDS đã tăng 27%. Khu vực Trung và Tây Phi còn đang bị tụt lại phía sau trong đáp ứng với HIV. Ở đó, cứ 3 người dân thì mới có 2 người tiếp cận được điều trị kháng vi-rút. Chúng ta không thể để tình trạng đáp ứng không đồng đều với HIV tiếp diễn nếu muốn kết thúc được dịch AIDS.
Dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng dịch AIDS vẫn chưa kết thúc. Nếu chúng ta bảo đảm được rằng mọi người dân ở mọi nơi đều thực hiện được quyền về sức khỏe của bản thân, thì chúng ta sẽ có thể kết thúc được dịch AIDS.