Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021
Trong tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Ngày 10/11/2021, ngành Giáo dục Tây Ninh đã triển khai thực hiện Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Thời gian thực hiện từ ngày 10/11/2021 đến ngày 10/12/2021.
Các hoạt động trọng điểm của tháng hành động nhằm nâng cao kiến thức và ý thức của toàn dân nói chung và viên chức, người lao động và người học nói riêng về các nội dung phòng chống bệnh dịch HIV/AIDS, gồm có:
I. CÁC HÌNH THỨC ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS: (Nguồn: Tờ rơi Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Tp. HCM tháng 11/2010)
1. Các giai đoạn của AIDS
Sau khi xâm nhập cơ thể, HIV tiến triển qua 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: từ lúc HIV bắt đầu xâm nhập cơ thể, kéo dài 5 -10 năm hoặc lâu hơn. Ở giai đoạn này, người có HIV vẫn khỏe mạnh bình thường.
+ Giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng: (cận AIDS): Kéo dài từ vài tháng đến vài năm, là giai đoạn mà sức đề kháng bắt đầu suy giảm, xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội nặng như lao, ung thư, viêm não…nên cần được điều trị và chăm sóc tốt.
+ Giai đoạn AIDS: từ 1 – 5 năm hoặc hơn tùy theo có dùng thuốc kháng HIV đúng cách hay không. Người bệnh có thể mắc các nhiễm trùng cơ hội nặng như lao, ung thư, viêm não…nên cần được điều trị và chăm sóc tốt.
2. Chăm sóc sau khi nhiễm HIV
Sau khi biết nhiễm HIV, nên đăng ký theo dõi sức khỏe tại các khoa Tham vấn Hỗ trợ Cộng đồng quận huyện để được theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.
Địa chỉ và số điện thoại khoa phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Tây Ninh: Khoa phòng chống HIV/AIDS, CDC tỉnh Tây Ninh, địa chỉ: Số 628, Đường 30/4, Khu phố 1, phường 3, Tp. Tây Ninh; điện thoại: 0276 3823 811; phụ trách: BS. Lê Hoàng Lộc, email: thienphuocloc241@gmail.com (thông tin từ Cục phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế)
3. Các hình thức điều trị
3.1. Điều trị hỗ trợ
Áp dụng cho mọi người có xét nghiệm HIV dương tính không triệu chứng, không dùng thuốc mà bằng các biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đó là:
+ Giữ tinh thần lạc quan.
+ Dinh dưỡng đúng cách, bổ sung vitamin
+ Thể dục đều đặn.
+ Có lối sống lành mạnh: không sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy, an toàn tình dục…
3.2. Điều trị dự phòng phơi nhiễm
Phơi nhiễm là khi có tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh HIV như bị các vật nhọn đâm gây rách da có chảy máu hay bị dịch tiết, máu bắn vào niêm mạc mắt (thường gặp ở nhân viên y tế) hay do quan hệ tình dục không an toàn…
Điều trị dự phòng phơi nhiễm nhằm ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào. Thời điểm điều trị tốt nhất là 6 giờ sau khi có tiếp xúc đến tối đa 72 giờ, bằng thuốc kháng sinh (ARV) trong vòng 4 tuần.
3.3. Điều trị phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con
Là điều trị bằng ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ mới sinh từ mẹ có HIV. Tùy theo tình trạng nhiễm HIV của bà mẹ và thờiđiểm mang thai sẽ có những chỉ định điều trị thích hợp. Trẻ sinh ra cũng được uống ARV trong 24 giờ đầu sau khi sinh và sau đó được tiếp tục theo dõi tại các bệnh viện Nhi Đồng. Việc điều trị này làm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ 30% xuống còn khoảng 6%.
3.4. Điều trị nhiễm trùng cơ hội
Nhiễm trùng cơ hội là những bệnh nhiễm trùng xuất hiện khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch do HIV như tiêu chảy, nấm miệng, giời leo, herpes, lao, viêm não (hình)…
Người nhiễm HIV có thể phòng ngừa các nhiễm trùng cơ hội bằng các biện pháp giữ vệ sinh tối đa trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, tiêm chủng phòng ngừa các bệnh như viêm gan, viêm não… và điều trị phòng ngừa bằng kháng sinh hay các thuốc đặc trị khác. Nếu có nhiễm trùng cơ hội nên được điều trị sớm theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
3.5. Điều trị kháng HIV
Hay còn gọi là điều trị ARV (Anti-Retro Virus), là điều trị phối hợp 3 loại thuốc kháng HIV nhằm mục đích:
+ Ngăn chặn sự phát triển của HIV, giúp tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, từ đó nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ, giúp người bệnh tiếp tục làm việc, học tập.
+ Làm giảm lượng virus HIV trong cơ thể nên làm giảm lây lan trong cộng đồng.
Điều trị kháng HIV bắt đầu khi người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội, số tế bào CD4 dưới 250/mm3 máu. Đây là loại điều trị lâu dài và phức tạp, do vậy cần có sự hợp tác của người bệnh và tuân thủ chặt chẽ các chỉ định của thầy thuốc như uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng, đúng giờ. Không tự ý thay đổi thuốc, không phối hợp các loại thuốc khác nếu không có chỉ định của thầy thuốc.
Thuốc có một số phản ứng bất lợi khác nhau ở mỗi người như rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy), mệt mỏi, nhức đầu, đôi khi sốt và nổi những mảng đỏ trên da. Các tác dụng phụ xuất hiện sớm và hết sau 6 tuần hoặc xuất hiện muộn hơn… Cần thông báo cho thầy thuốc khi có các dấu hiệu trên. Việc ngưng thuốc đột ngột sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm HIV phát triển nhanh hơn.
4. Điều kiện để được điều trị ARV miễn phí và các dịch vụ hỗ trợ khác
Người bệnh AIDS có thể xác nhận tình trạng nhiễm HIV và tự nguyện đăng ký tham gia.
Có chỉ định điều trị của bác sĩ.
Hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị và tuân thủ điều trị lâu dài.
Trong trường hợp không có nơi cư trú ổn định lâu dài tại thành phố, phải có các tổ chức xã hội, hoặc các đội nhóm tự nguyện, bảo đảm hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để có thể tuân thủ việc điều trị lâu dài tại thành phố.
Ngoài ra, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại; một phần viện phí khi phải nhập viện điều trị; thực phẩm cho người bị suy dinh dưỡng và được các thành viên của phòng khám đến chăm sóc tại nhà.
Thai phụ được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hỗ trợ dinh dưỡng trong thai kỳ và những tháng đầu sau sanh.
Trẻ em, ngoài việc được chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh còn được hỗ trợ để phát triển như dinh dưỡng, giáo dục (học phí, đồng phục, học nghề…), viện phí, bảo hiểm y tế, tiền đi lại khám bệnh, trợ cấp khó khăn đột xuất, pháp lý (khai sinh, hộ khẩu), nhà ở, tham gia các sinh hoạt, vui chơi và hỗ trợ tâm lý.
II. “TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19” (Nguồn: Cục phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế)
Đây là chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (10/11-10/12) được Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước.
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008. Tháng Hành động đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm nhằm mục đích tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, dịch Covid-19 cũng đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS trong 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với 9 tháng đầu năm 2020 tại nhiều địa phương. Đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Trong Tháng hành động, ngoài Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo, do dịch Covid-19 nên không thể tổ chức các sự kiện trực tiếp và đông người, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đề nghị các địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội để hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Bên cạnh đó, Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về phòng, chống HIV/AIDS về tình hình dịch của địa phương, các mô hình, sáng kiến và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà các địa phương đang cung cấp nhất là các sáng kiến để vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19. Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn và khoa học về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như: Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch COVID-19 để đảm bảo người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị. Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị liên tục và an toàn bằng thuốc Methadone nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa, người bệnh bị cách ly do dịch Covid-19; Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19; Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điểm cấp phát thuốc Methadone; cấp phát Methadone nhiều ngày, điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã, cấp thuốc ARV nhiều ngày cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, đảm bảo cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng như việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế; Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...), người nổi tiếng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi; Vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng Hành động; Tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.
Bộ Y tế với vai trò Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm ngoài xây dựng hướng dẫn các Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh thành phố tổ chức thực hiện Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; cần phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí ở Trung ương thực hiện tuyên truyền rộng rãi các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS...; Vận động sự tham gia của các tổ chức quốc tế đang hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam tham gia các hoạt động của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở các địa phương, đơn vị; Chủ trì phối hợp với các cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia giải quyết các vướng mắc (nếu có) liên quan đến Tháng Hành động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Báo cáo Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm kết quả hoạt động Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với chức năng nhiệm vụ và hoàn cảnh thực tế của cơ quan, địa phương trong tình hình bối cảnh dịch COVID-19.
III. CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS:
2. Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS):
3. Chiến lược quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030:
“NHIỆT LIỆT HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2021”.
|