FB tuyển sinh :       Zalo tuyển sinh:        
    CHIÊU SINH - TUYỂN SINH
    THÔNG BÁO
     TIN TỨC, HOẠT ĐỘNG
Thứ Ba - 01/03/2022
Ngành Giáo dục Tây Ninh: sơ kết học kỳ I và nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2021-2022
  

 

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) báo cáo sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2021 – 2022 như sau:

I. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

1. Về giáo dục mầm non

Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cấp học mầm non chưa đón trẻ đến trường, từ đầu năm học đến ngày 14/02/2022 các cơ sở giáo dục mầm non chỉ tổ chức hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà qua các video theo chương trình giáo dục mầm non. Tính đến tháng 02/2022, toàn tỉnh có 134 trường mầm non, mẫu giáo (mầm non 89, mẫu giáo 45). Trong đó, trường công lập 110, trường tư thục 24 (giảm 04 trường công lập do sáp nhập điểm trường và tăng 02 trường tư thục so với cùng kỳ). Tổng số trẻ mầm non đến trường 19.756/32.339 trẻ/1.291 nhóm, lớp (2.452/4.137 trẻ học tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục), đạt tỷ lệ 61,1% so với tổng số trẻ trong danh sách tại trường, chia ra:

+ Nhà trẻ (0-2 tuổi): 1.040/1.994 trẻ trong danh sách tại trường/138 nhóm, đạt tỷ lệ 52,2%

+ Mẫu giáo (3-5 tuổi): 18.716/30.345 trẻ trong danh sách tại trường/1.153 lớp, tỷ lệ huy động 67,9%. Trong đó, Trẻ 5-6 tuổi đến trường là 12.322/16.472 trẻ/536 lớp, đạt tỷ lệ 74,8% so với tổng số trẻ trong danh sách tại trường.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường, có 125/134 trường mầm non, mẫu giáo tham gia Chương trình, 09 trường mầm non tư thục không tham gia Chương trình do có chương trình uống sữa tại trường. Tỷ lệ trẻ mầm non tham gia Chương trình là 94,0%.

Tổ chức tập huấn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đảm bảo chất lượng Giáo dục mầm non; tập huấn hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến; đã triển khai xây dựng điểm chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” năm học 2021-2022 tại Trường Mẫu giáo Trường Hòa thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hòa Thành.

Năm 2021, có 94/94 xã đạt các tiêu chuẩn, điều kiện và 9/9 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi theo Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT, tỷ lệ 100%.

2. Giáo dục tiểu học

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học linh hoạt tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học. Hiện nay, toàn tỉnh có 195 trường/3.181 lớp/101.282 học sinh, trong đó có 01 trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật. Học sinh bỏ học: 255 học sinh, tỷ lệ 0,25%, tăng 0,16% so với cùng kỳ.

Huy động được 18.451 trẻ 6 tuổi ra lớp 1/18.451 tổng số trẻ 6 tuổi, đạt tỷ lệ 100% (năm học trước đạt 100%).

Sở GDĐT và phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các trường tiểu học và giáo viên tăng cường tính tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với tình hình thực tế của từng trường. Kế hoạch giáo dục đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn nội dung giáo dục tự chọn và xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường, địa phương.

Tổ chức bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học thực hiện Chương trình GDPT 2018 (mô đun 3, 4) trong năm 2021 cho 370 cán bộ quản lý, 4.145 giáo viên.

Phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 cho 2.054 cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021-2022.

Thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy học bán trú, theo đó toàn tỉnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại 179 trường tiểu học với 2.504 lớp; số học sinh học 2 buổi/ngày là 78.513/101.282 học sinh toàn tỉnh, tỷ lệ 77,52%.

Số học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày là 34.628/39.647 học sinh, tỷ lệ: 87,34%; số học sinh lớp 1, 2 còn lại học từ 26-31 tiết/tuần.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” do tổ chức Room to Read tài trợ tại 38 trường tiểu học của 7 huyện, thị xã: Dương Minh Châu, Hoà Thành, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu và Gò Dầu; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” tại một số trường tiểu học theo kế hoạch. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trường học, các trường tiểu học cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, sách báo, tài liệu tham khảo từ nguồn kinh phí ngân sách hoặc xã hội hoá. 

Triển khai dạy học theo mô hình trường học mới tại 20 trường/233 lớp/8.525 học sinh.

Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học chung của toàn tỉnh: 14.712/15.575 trẻ 11 tuổi, tỷ lệ 94,45%.

Năm 2021, toàn tỉnh có 94/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (tỷ lệ 100%), trong đó có 82/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3 (tỷ lệ 87,23%); có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (tỷ lệ 100%), trong đó có 6/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 3 (tỷ lệ 66,66%).

Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các giải pháp tổ chức dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Qua thực tế giảng dạy, đa số giáo viên thích ứng nhanh với việc dạy học trực tuyến, sử dụng tương đối thành thạo phần mềm và thiết bị hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh trong việc theo dõi, hỗ trợ, giám sát quá trình học tập của học sinh; giáo viên và học sinh thực hiện tương tác khá tốt trên lớp, học sinh biết tập trung lắng nghe và thao tác khá tốt thiết bị học tập trực tuyến; đa số học sinh tham gia học trực tuyến nắm được kiến thức cốt lõi cần đạt của nội dung chương trình các môn học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như: Học sinh chưa có sự tập trung cao trong quá trình học tập; những gia đình khó khăn, phụ huynh học sinh không có thời gian để hỗ trợ, giám sát quá trình học tập của học sinh; giáo viên còn gặp khó khăn trong việc rèn kỹ năng viết cho học sinh lớp 1.

3. Giáo dục trung học - chuyên nghiệp

Toàn tỉnh có 103 trường trung học cơ sở (THCS)/1.678 lớp/67.451 học sinh. Cấp trung học phổ thông (THPT) có 28 trường/724 lớp/29.416 học sinh. Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện có 9 trung tâm/76 lớp/2.297 học sinh. Có 01 trung tâm GDTX cấp tỉnh, không có học sinh trung học. Tổng số học sinh trung học là 99.164, tăng 5.306 học sinh so với cùng kì.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên các đơn vị, trường học tổ chức dạy học trực tuyến từ đầu năm học. Hiện tại đã chuyển sang học trực tiếp tất cả các khối lớp: Từ 17/01/2022: đối với lớp 9, lớp 12; từ 07/02/2022: đối với lớp 7, 8, 9, 10, 11; từ 14/02/2022: đối với lớp 6. Đến nay các đơn vị, trường học vẫn thực hiện đúng tiến trình thời gian năm học.

Trong quá trình trở lại học trực tiếp tất cả các đơn vị trường học thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; khi phát hiện có F0 các đơn vị, trường học đều bình tĩnh, tự tin phối hợp với ngành Y tế xử lý theo đúng qui định, đảm bảo an toàn, tâm lý ổn định cho học sinh và phụ huynh.

Các đơn vị đã xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến, tiến hành rà soát, thực hiện bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021, về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Trong thời gian dạy học trực tuyến các cơ sở giáo dục đã lựa chọn hệ thống quản lý học tập trực tuyến phù hợp; áp dụng các mô hình dạy học trực tuyến hiệu quả; tổ chức tập huấn sử dụng các phần mềm cho CBQL và giáo viên. Tổ chức cho giáo viên tham gia tập huấn thiết kế kế hoạch bài dạy (giáo án) ứng phó với dịch Covid-19 do Bộ GDĐT tổ chức...

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; đã chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022 - 2023.

Phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục, Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục: bồi dưỡng các mô đun thực hiện Chương trình GDPT 2018; bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng dạy tích hợp, liên môn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin…

Sở GDĐT đã triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Đảm bảo tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hình thức tuyên truyền. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên (sửa đổi); Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và các luật khác liên quan tới thanh thiếu nhi lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn lớp trực tuyến cho hơn 26.890 học sinh, sinh viên.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực tuyến, đăng tải các infographic, bài viết trên các trang thông tin của đoàn trường về phòng, chống ma túy; phòng, tránh các tệ nạn xã hội trong đoàn viên thanh niên trường học; tích cực tham gia phát hiện và tố giác tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn dân cư, trường học. Triển khai lồng ghép phong trào “Ba không với ma túy” (không thử, không giữ, không sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện) vào các chương trình Ngày Pháp luật của các chi đoàn. Kết quả đã triển khai cuộc vận động cho 25.193 đoàn viên, thanh niên trường học.

Triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong HSSV; thực hiện đúng quy định “5K” của Bộ Y tế. Kết quả tuyên truyền được 121 cuộc thông qua nhiều hình thức cho hơn 28.841 lượt HSSV.

Các Đoàn trường phối hợp giáo viên chủ nhiệm khối 11 và 12, hướng dẫn và tổ chức cho học sinh tham gia chương trình trực tuyến “Tư vấn hướng nghiệp và Thông tin tuyển sinh năm 2022” do Sở GDĐT phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ tổ chức. Bên cạnh đó, các Đoàn trường đã chủ động đổi mới các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành, nghề, chọn trường cho học sinh THPT giúp cho các em học sinh tự nhận thức và đánh giá về bản thân, tìm hiểu về ngành nghề và trường đào tạo phù hợp với khả năng của mình.

Thực hiện công tác phổ cập giáo dục THCS: 19/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1; 67/94 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 2; 08/94 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 3; 4/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1; 5/9 huyện, thị xã, thành phố đạt mức độ 2.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát vị trí việc làm, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động đề bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, phù hợp thực tế của địa phương. Tỉ lệ bố trí giáo viên hiện nay còn thấp so với định mức quy định (Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017); cụ thể: tỉ lệ bố trí giáo viên ở mầm non là 1,71 giáo viên/ lớp, tiểu học: 1,44 giáo viên/ lớp, THCS: 1,82 giáo viên/ lớp, THPT: 1,96 giáo viên/ lớp.

Năm 2021, UBND tỉnh đã bổ sung biên chế viên chức cho ngành giáo dục với số lượng 335 biên chế (Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021). Trên cơ sở biên chế được bổ sung và biên chế hiện có, Sở Giáo dục và đào tạo và các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên phục vụ năm học 2021-2022. Kết quả:

- Khối mầm non tuyển dụng được 43 giáo viên / 249 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 17%.

- Khối tiểu học tuyển dụng được 34 giáo viên / 183 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 19 %.

- Khối THCS tuyển dụng được 38 giáo viên / 189 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 20%.

- Khối THPT đã tiếp nhận 96 hồ sơ đăng ký dự tuyển và đang thực hiện kiểm tra sát hạch để tuyển dụng viên chức cho các trường THPT trong tỉnh.

Hiện nay các các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện quy trình tuyển dụng giáo viên theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được tổ chức thực hiện trước khi bắt đầu năm học. Các phòng giáo dục và đào tạo đã tổ chức cho trên 3000 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tập trung ở các hạng II và hạng III. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho 190 giáo viên trung học phổ thông được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.

Thực hiện Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; căn cứ các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Thông tư  số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01/10/2020 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp và đề nghị Sở Nội vụ ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chuyển xếp lương cho 01giáo viên trung học phổ thông, 60 viên chức Trường Cao đẳng Sư phạm. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ xem xét bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và chuyển xếp lương cho 1543 giáo viên mầm non, 3262 giáo viên tiểu học và 2531 giáo viên trung học cơ sở ở các hạng I, hãng II và hạng III. 

Thực hiện Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/19/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục tiến hành công tác rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc.  

Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020 – 2025), Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2698/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 về kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ có 1.403 giáo viên tham gia học tập nâng chuẩn trình độ được đào tạo (mầm non: 307, tiểu học: 810, THCS: 286).

5. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, trong đó tổng số phòng xây dựng: 453 phòng (177 điểm trường), với mức đầu tư dự kiến: 303.092.433.000 đồng. Trong đó:

- Số lượng phòng học là: 345 phòng (69 điểm trường).

- Số lượng phòng Tin học là: 52 phòng (52 điểm trường).

- Số lượng phòng Ngoại ngữ là: 56 phòng (56 điểm trường).

Tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT: bậc mầm non đạt 52,8%; tiểu học đạt 55,6%; THCS đạt 58,8%; THPT đạt 100%. Kết quả đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, các công trình vệ sinh năm học 2021-2022 tăng đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho học sinh và giáo viên.

Toàn ngành học mầm non và phổ thông có 8.960 phòng, trong đó có 6.591 phòng học trong đó kiên cố 5.485 phòng, chiếm tỷ lệ 83,06%, chia ra theo các ngành học: phòng kiên cố mầm non 1049/1314, tiểu học 2429/3099, THCS 1391/1522 và THPT 606/656 phòng. Công trình kiên cố ở tất cả các cấp học mầm non và tiểu học đạt tỷ lệ tối thiểu trên 60% (1).

Số lượng phòng học bộ môn đáp ứng quy định đạt tỷ lệ trên 70%. Cụ thể bậc học tiểu học có 796 phòng phục vụ học tập (687 phòng kiên cố tỷ lệ 85,1%), bậc học THCS có 411 phòng học bộ môn (369 phòng kiên cố tỉ lệ 89,7%), bậc học THPT có 109 phòng học bộ môn (101 phòng kiên cố tỷ lệ 92,6%).

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và ban hành các văn bản về việc đầu tư thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em và thư viện trường phổ thông; Kế hoạch chi tiết và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo đã được triển khai trong hội nghị Công tác Kế hoạch tài chính – Cơ sở vật chất ngành. Tỷ lệ đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em đáp ứng yêu cầu tối thiểu tính trung bình của các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) đầu năm học đáp ứng 70% yêu cầu tối thiểu; cuối năm học tăng 10% so với đầu năm học.

(1) Bậc học THCS có 411 phòng học bộ môn (369 phòng kiên cố), trong đó có 197 phòng bộ môn Vật lý/phòng bộ môn Hóa học/ phòng bộ môn Sinh học, 102 phòng bộ môn Tin học, 56 phòng bộ môn ngoại ngữ, 44 phòng công nghệ và 37 phòng bộ môn âm nhạc.... Bậc học THPT có 109 phòng học bộ môn, trong đó có 63 phòng bộ môn Vật lý/Hóa học/Sinh học, 62 phòng bộ môn Tin học, 25 phòng bộ môn ngoại ngữ và 16 phòng bộ môn khác (phòng công nghệ, nghe nhìn phòng thực hành ghép...).

6. Về xây dựng Đề án xã hội hóa, mời gọi đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục, nhất là thu hút trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế

Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đào tạo, tỉnh Tây Ninh năm 2022 và giai đoạn 2022-2025. Đề án tập trung tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025; cụ thể hóa Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo lấy ký kiến cơ quan chuyên môn, cán bộ quản lý giáo dục và các ngành, dự kiến trình UBND tỉnh xem xét trong tháng 02 năm 2022 và trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 02 năm 2022.

II. Đánh giá chung

1. Những việc làm được

Toàn ngành giáo dục và đào tạo Tây Ninh nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”, thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực. Học kỳ I năm học 2021-2022 tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến trình thời gian năm học.

Các đơn vị, trường học đã xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến, tiến hành rà soát, thực hiện bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021, về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Các đơn vị, trường học đã thực hiện tốt công tác rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên của nhà trường đảm bảo về tỷ lệ tiêm vắc-xin của CBQL, giáo viên, nhân viên và học sinh; rà soát cơ sở vật chất, thiết bị hiện có, xây dựng phương án sửa chữa, bổ sung đủ các trang thiết bị phòng, chống dịch theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

Tham mưu trình UBND tỉnh không thu học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí ở học kỳ II năm học 2021-2022, đã hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; không có tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Phối hợp tổ chức kênh tiếp nhận quyên góp máy tính đã qua sử dụng để hỗ trợ cho học sinh nghèo có điều kiện học tập, với chủ đề “Máy tính cũ – Công dân số mới”; phát động quyên góp, ủng hộ Chương trình “Máy tính cho em”. Kết quả đã phối hợp với VNPT Tây Ninh tổ chức trao tặng 2.151 máy tính bảng cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh; vận động được 1260 máy tính để bàn, 932 máy tính bảng, 557 thiết bị học trực tuyến, 6 laptop, 636 smart phone, 1000 sim điện thoại và tiền mặt: 50.000.000 đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh giúp nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh, sự hiểu biết, thông cảm và đồng thuận việc dạy và học trực tuyến; yên tâm cho con học trực tuyến tại nhà phòng, tránh dịch bệnh Covid-19.

Đối với việc tổ chức dạy học trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai kịp thời, có hiệu quả; thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh. Đưa việc dạy trực tuyến vào nền nếp, dần đạt được hiệu quả như mong muốn; bảo đảm nền nếp học tập và các hoạt động chuyên môn của trường. Xây dựng được thói quen và nền nếp học tập trực tuyến, học qua truyền hình đối với học sinh các cấp học phổ thông. Học sinh phát huy tốt khả năng tự học, tự nghiên cứu để thảo luận, trao đổi với giáo viên, bạn học qua các giờ học trực tuyến.

Đối với việc tổ chức dạy học trực tuyến có kết hợp với trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức chuẩn bị các nội dung về an toàn phòng chống dịch Covid-19 trước khi cho học sinh đến trường. Phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh từ 11- 17 tuổi và tất cả giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên của ngành.

Trong quá trình trở lại học trực tiếp, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp đảm bảo an toàn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra việc tổ chức học trực tiếp; chỉ đạo ngành GDĐT kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp tại một số trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Kết quả, tất cả các trường đã chuẩn bị tốt; tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến và phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn.

Tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến tất cả các đơn vị; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học lĩnh vực giáo dục trung học; chú ý các vấn đề quan trọng, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đã đạt các mục tiêu đề ra.

Hoàn thành việc biên soạn tài liệu địa phương lớp 1, 6; đồng thời Sở Giáo dục và Đào tạo đã mời các thành viên Hội đồng thẩm định thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 2. Hoàn thành Biên bản số 122/BB-HĐTĐ ngày 14/01/2022 của HĐTĐ về việc thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 2. Trình UBND tỉnh về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 2.

Xây dựng báo cáo của Ban Biên soạn về việc góp ý Đề cương tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 7.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; đã chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022 - 2023.

Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào dạy học và quản lí.

 Thực hiện tốt việc tinh giảm các cuộc thi, hội thi, đảm bảo thiết thực, không gây quá tải đối với học sinh; quy định chặt chẽ việc thực hiện hồ sơ sổ sách trong nhà trường.

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác Đoàn, Đội, tuyên truyền tác hại của các tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường, ATGT,…được các đơn vị quan tâm và thường xuyên thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo học sinh tham gia và đạt kết quả tốt.

2. Những khó khăn, hạn chế

Mặc dù học sinh đã học tập tốt theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên chất lượng đào tạo vẫn chưa đạt theo yêu cầu của Chương trình.

Học sinh đi học trực tiếp chưa được đầy đủ như bình thường, còn một số em vẫn học trực tuyến hoặc chưa đến trường.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số hoạt động tập trung đông người bị hạn chế và phải chuyển sang hình thức trực tuyến.

3. Nguyên nhân

Chất lượng các thiết bị học của học sinh không đồng đều dẫn đến chất lượng truyền tải âm thanh, hình ảnh đôi khi bị ngắt quảng, mất kết nối. Còn nhiều giáo viên sử dụng máy tính cũ, tốc độ xử lý chậm, các phần mềm miễn phí chỉ hỗ trợ những tính năng rất cơ bản, hạn chế thời gian, hạn chế người tham gia.

Giáo viên và học sinh còn khó khăn khi giảng dạy các bài học phải có thí nghiệm (chuyển sang thí nghiệm ảo), khi vận dụng một số phương pháp dạy học.

Do học sinh học trực tuyến tại nhà nên nhiều học sinh lựa chọn vị trí học trực tuyến chưa hợp lí, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố xung quanh: âm thanh, ánh sáng, người xung quanh.

Nhiều học sinh phải học qua điện thoại có màn hình nhỏ, hạn chế việc quan sát, tương tác với giáo viên. 

Một số em còn thiếu ý thức học tập, thiếu sự phối hợp, quan tâm từ gia đình nên học trực tuyến chưa hiệu quả.

Khi trở lại học trực tiếp, một số phụ huynh học sinh còn thăm dò tình hình dịch bệnh nên chưa yên tâm đưa con đến trường, chưa đồng thuận tiêm mũi 3 cho con em của mình.

Một số học sinh chủ quan khi nhà trường thực hiện phương án vừa trực tiếp vừa trực tuyến hoặc gửi bài thì các em không cần đến trường.

III. Nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II

Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non sau sửa đổi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1. Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.

Mở cửa trường học theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GDĐT và UBND tỉnh; bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đúng qui định; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý theo quy trình hướng dẫn của ngành Y tế; không để học sinh bị bệnh vào trường; Chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục vừa dạy học trực tiếp và vừa dạy học trực tuyến bằng nhiều hình thức các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT (2) phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức, kỹ năng cho học sinh, đặc biệt học sinh lớp 9, 12 đảm bảo đáp ứng được yêu cầu cần đạt của Chương trình.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục.

Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo.

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả tài liệu giáo dục địa phương.

Triển khai Quyết định số 2698/QĐ-UBND ngày 22/20/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.

Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do, không để cho học sinh, sinh viên vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

Đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục, 100% các cơ sở giáo dục thực hiện phần mềm quản lý nhà trường. Các cơ sở giáo dục tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tăng cường công tác truyền thông, kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của ngành và kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành. Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, trường học; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.

(2) Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19; Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-I9; Công văn số 4135/BGDĐT-GDTX ngày 21/9/2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT năm học 2021-2022.

 

 

Các Tin Khác
 Tờ rơi về Tảo hôn và Hôn nhân cận huyết ( 19/02/2022 10:37:06) 
 Khám bệnh và phẫu thuật tim cho người bệnh nghèo ( 12/02/2022 10:30:54) 
 Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ( 05/01/2022 03:59:23) 
 Lớp liên thông từ Trung cấp Sư phạm mầm non lên Đại học ( 21/12/2021 10:17:32) 
 Gương điển hình tiên tiến Quý 4/2021 của ngành Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh ( 20/12/2021 11:17:42) 
 Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2021 ( 20/11/2021 10:47:35) 
 Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông ( 17/11/2021 09:51:21) 
 Các thông tin về HIV/AIDS - Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 ( 16/11/2021 10:13:31) 
 Hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021 ( 10/11/2021 09:33:22) 
 Bốn cấp độ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 ( 28/10/2021 04:00:30) 
 Hội nghị Viên chức, Người lao động Trung tâm GDTX tỉnh Tây Ninh năm học 2021-2022 ( 28/10/2021 10:04:20) 
 Nghị quyết Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" ( 18/10/2021 02:31:17) 
 Kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 ( 12/10/2021 02:30:19) 
 Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm học 2020 - 2021 và phương hướng năm học 2021-2022 ( 12/10/2021 02:29:38) 
 Triển khai thực hiện Nghi định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ ( 22/09/2021 10:35:21) 
    VIDEO CLIP _HỌC TẬP, SINH HOẠT
    HỌC TẬP
 Thăm dò nhu cầu học tập
 Góp ý
    LIÊN KẾT WEBSITE
    LƯỢT TRUY CẬP
TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TỈNH TÂY NINH
Địa chỉ : số 2, hẻm 1, Lạc Long Quân (7, hẻm 18, NV Rốp) Kp.5, P.4, Tp. Tây Ninh
Điện thoại : (0276) 3842374; (0276) 3842375; (0276) 3841305
Fax : +GMAIL: ttgdtxtn2023@gmail.com
Email : ttgdtxtinh.tayninh@moet.edu.vn
Phát triển Bởi Công ty giải pháp Phần mềm & Website Phú lợi