Hành tinh của chúng ta đang chết chìm trong ô nhiễm nhựa
Hãy ngưng tất cả sản phẩm nhựa dùng một lần
Trong khi nhựa có nhiều ứng dụng rất có giá trị, chúng ta lại trở nên nghiện với nhựa sử dụng một lần rồi vứt thải hay còn gọi là nhựa dùng một lần – theo đó là những hệ quả nghiêm trọng gây ra cho môi trường. Trên toàn thế giới, một tấn chai nhựa đựng nước uống được mua mỗi phút, và trên năm tỉ túi nhựa dùng một lần được sử dụng trên khắp thế giới mỗi năm. Tổng cộng, có khoảng phân nửa nhựa sản xuất ra được chế tạo thành các sản phẩm chỉ dùng một lần – và sau đó vứt bỏ. Rác thải nhựa hiện nay đã đầy ngập trong môi trường thiên nhiên đến nỗi các nhà khoa học đã phải đề nghị xem nó như là một dấu chỉ địa lý của Kỷ Nhân tạo (kỷ nguyên mà sự ảnh hưởng đến trái đất của hoạt động con người tạo nên một Kỷ Địa lý xác định). Vậy, chúng ta đã làm gì cho đến nỗi này?
Từ những năm trong thập niên 1950 đến 70, chỉ một lượng nhỏ chất nhựa được sản xuất, vì vậy, rác thải nhựa tương đối dễ quản lý.
Đến thập niên 1990, lượng rác thải nhựa tạo ra đã hơn gấp ba lần của hai thập kỷ trước, kết quả của sự gia tăng tương tự trong ngành sản xuất nhựa.
Vào đầu những năm 2000, rác thải nhựa đưa ra môi trường chỉ trong một thập kỷ đã tăng nhiều hơn mức của tổng 40 năm trước.
Hiện nay, con người tạo ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, gần như tương đương với tổng trọng lượng của dân số toàn nhân loại.
Các nhà nghiên cứu ước lượng có hơn 8.3 tỉ tấn nhựa đã được sản xuất kể từ đầu những năm 1950. Khoảng 60% số nhựa đó cuối cùng được dồn hết vào các bãi chôn rác hoặc môi trường thiên nhiên.
Chúng ta thấy hiện đang có những xu thế đáng lo ngại. Từ những năm 1950, tỉ lệ sản xuất nhựa đã phát triển nhanh hơn bất kỳ việc sản xuất loại vật liệu nào khác. Chúng ta cũng thấy có sự chuyển dời từ việc sản xuất nhựa sử dụng lâu dài, chuyển sang việc sản xuất nhựa cho mục đích sử dụng chỉ một lần rồi vứt bỏ. Hơn 99% lượng nhựa được sản xuất từ các hóa chất chiết xuất từ dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và than đá – và tất cả những thứ này đều là những nguồn tài nguyên không sạch, không thể tái tạo. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục tiến triển, đến năm 2050 ngành công nghiệp nhựa có thể chiếm đến 20% trong tổng lượng tiêu dùng dầu khí của toàn thế giới.
Những sản phẩm nhựa dùng một lần này có mặt ở khắp nơi. Đối với nhiều người trong chúng ta, nó đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày.
Polyethylene terephthalate (PET)
Chai đựng nước, túi nhựa, khay - bọc đựng bánh
|
High—density polyethylene (HDPE)
Chai đựng xà phòng nước, chai sữa, túi đông, bao đựng kem
|
Low—density polyethylene (LDPE)
Túi xốp, bọc nhựa, bao đựng, màng nhựa bọc thức ăn
|
Polypropylene (PP)
Túi đựng khoai tây chiên, đĩa nhựa dùng cho lò vi sóng, ống đựng kem, nắp chai nhựa
|
Polystyrene (PS)
Bộ dao nĩa, đĩa, ly tách
|
Expanded polystyrene (EPS)
Xốp bảo vệ hàng hóa, ly giữ nhiệt
|
Nguồn: Báo cáo Môi trường của Liên Hợp quốc năm 2018
Chúng ta phải làm chậm lại dòng lưu chuyển nhựa ngay từ đầu nguồn, nhưng chúng ta cũng cần phải nâng cấp cách thức chúng ta quản lý rác thải nhựa. Bởi vì ngay lúc này, rất nhiều rác thải nhựa đang tồn tại trong môi trường.
Chỉ có 9% trong số rác thải nhựa do chúng ta tạo ra được tái chế. Khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại – đến 79% - dồn tích trong các bãi chôn rác, núi rác hoặc trong môi trường thiên nhiên. Đầu thuốc lá – với đầu lọc bằng sợi nhựa siêu mảnh – là loại rác thải nhựa thông thường nhất được tìm thấy ở môi trường thiên nhiên trong những khảo sát toàn cầu gần nhất. Chai đựng nước, nắp chai, gói bọc thức ăn, túi đựng rau quả, màng nhựa bảo quản thức uống, ống hút và muỗng nhựa là các loại thường thấy tiếp theo. Rất nhiều trong số chúng ta sử dụng các sản phẩm này hàng ngày mà thậm chí không hề nghĩ đến chúng cuối cùng sẽ đi về đâu.
Các dòng sông mang rác thải nhựa từ sâu trong đất liền ra đến tận biển, điều này khiến chúng trở thành yếu tố chính góp phần gây nên ô nhiễm đại dương.
Một con số dao động khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ vào các đại dương mỗi năm. Làm sao chúng đến được đó? Phần lớn trong số chúng đến từ các con sông, là dòng chảy trực tiếp của rác thải từ các thành phố lớn trên thế giới vào môi trường sinh thái biển.
Chỉ riêng 10 con sông này đã mang đến hơn 90% lượng rác thải nhựa dồn chứa ở các đại dương.
Chang Jiang – Trường Giang (Sông Dương Tử) 1,469,481 tấn
Indus (Sông Ấn) 164,332 tấn
Huang He – Hoàng Hà 124,249 tấn
Hai He – Hải Hà 91,858 tấn
Nile (Sông Nile) 84,792 tấn
Meghna, Brahmaputra, Ganges (Sông Meghna, Brahmaputra, Sông Hằng) 72,845 tấn
Zhujiang - Châu Giang 52,958 tấn
Amur (Sông Amur – Hắc Long Giang) 38,267 tấn
Niger (Sông Niger) 35,196 tấn
Mekong (Sông Mekong) 33,431 tấn
(Dữ liệu bài viết “Xuất thải rác nhựa từ các con sông vào đại dương” in trong tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Môi trường năm 2017)
Rác thải nhựa – dù là ở sông, đại dương hay trong đất liền – đều có thể bền bỉ trong môi trường tự nhiên đến hàng thế kỷ.
Chính phẩm chất làm cho nhựa trở nên hữu dụng – đó là tính bền bỉ và kháng mục rữa – cũng khiến chúng trở nên gần như không thể bị phá hủy bởi thiên nhiên. Hầu hết các vật phẩm bằng nhựa đều không bao giờ biến mất hoàn toàn; chúng chỉ trở nên ngày càng nhỏ hơn. Đa phần các phân tử nhựa bé nhỏ này được nuốt bởi vật nuôi nông trại hoặc cá bởi sự pha lẫn của chúng với thức ăn, và qua đó, chúng lần hồi sẽ có mặt trên đĩa thức ăn của chúng ta. Chúng còn được tìm thấy trong phần lớn các nguồn nước trên thế giới. Qua việc gây tắc nghẽn cống rãnh và cung cấp môi trường sống cho muỗi và các loài vật ký sinh, rác thải nhựa – nhất là các túi nhựa – có thể làm tăng sự phát tán của các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt rét.
Sông Dương Tử của Trung Quốc, chảy qua thành phố Thượng Hải, hàng năm thải vào biển Hoàng Hải gần 1,5 triệu tấn rác thải nhựa.
Nếu xu thế hiện tại tiếp tục, đến năm 2050 các đại dương của chúng ta sẽ có nhựa nhiều hơn cá.
Mặc dù Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước Châu Âu tạo ra một lượng rác thải nhựa lớn, nhưng họ cũng quản lý chúng một cách hiệu quả. Khoảng một nửa lượng rác thải nhựa tồn đọng ở các đại dương đến từ chỉ 5 nước: Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam. Những quốc gia này đang diễn ra sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, điều này giúp giảm tỉ lệ nghèo đói và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm triệu người. Nhưng khi những nền kinh tế này phát triển, sự tiêu dùng cũng bùng nổ - và việc sử dụng hàng hóa bằng nhựa cũng tăng theo.
Khối lượng rác thải nhựa toàn cầu tiếp tục tăng lên, và một số những nguồn tác nhân lớn nhất lại không quản lý rác thải từ nhựa một cách hiệu quả.
Dữ liệu từ bài ““Plastic waste inputs from land into the ocean” viết bởi Jenna Jambeck và một số người khác, xuất bản trên tạp chí Khoa học (2015)
Nhưng thế giới đang tỉnh ngộ trước vấn đề này, và các chính phủ bắt đầu hành động
Có một số điều mà các chính phủ có thể làm được – từ việc tổ chức các chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng, tạo ra các chính sách ưu tiên thúc đẩy việc tái chế, cho đến đưa ra các mức thuế hoặc cấm hẳn một số hàng hóa nhất định. Trong thập kỷ vừa qua, hàng chục quốc gia và chính quyền khu vực quanh thế giới đã thực hiện các chính sách để giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Và con số này còn tiếp tục tăng lên. Châu Phi thể hiện vượt bậc khi là một lục địa có hầu hết các quốc gia đã đưa ra lệnh cấm đối với việc sản xuất và sử dụng túi nhựa. Trong số 25 quốc gia Châu Phi đã cấm túi nhựa, hơn phân nửa quốc gia đã thực hiện việc đó chỉ trong bốn năm gần đây nhất.
Con số các quốc gia và chính quyền khu vực đã thực hiện hành động chống ô nhiễm nhựa còn tiếp tục gia tăng.
Trích từ trang thông tin chống ô nhiễm nhựa của Liên Hợp quốc https://www.unenvironment.org/interactive/beat-plastic-pollution/
MỘT VÀI HÌNH ẢNH VỀ Ô NHIỄM NHỰA
Rác thải nhựa trên 1 con sông ở Ấn độ
Ô nhiễm nhựa ở bãi biển, Bắc Na Uy
Rác thải nhựa ở bãi biển Morocco
Rác thải nhựa ở bãi biển, Mumbai
Con thuyền bơi trên những con sóng rác nhựa, Krichim - Bungaria
Rác thải nhựa trên bờ biển ở Iceland
Rác thải nhựa lấy ra từ bụng cá
Rác thải nhựa tại cửa sông Los Angeles, California
Mặt nước che phủ bởi rác nhựa, đập nước Vacha, Krichim, Bungaria
Rác thải nhựa ở đáy biển
Rác thải nhựa, chai nhựa làm mất chỗ của các sinh vật thủy sinh
Hải cẩu bị kẹt trong rác nhựa
Người dân Philippines sống cùng với hệ sinh thái đầy rác thải nhựa
Rác nhựa trôi nổi trong đại dương
Rác nhựa trôi nổi trong đại dương
Sinh vật biển mắc nạn vì ăn phải rác thải nhựa
Rác thải nhựa chiếm gần hết diện tích mặt sông Citarum - Jakarta
Rác thải nhựa trong một vịnh ở Bắc Mỹ
Chim chết vì ăn phải quá nhiều rác thải nhựa lẫn trong thực phẩm
Xác chim cùng với rác thải nhựa đầy bụng
Rác thải nhựa Đảo nam Sentinel, vịnh Bengal
Hải cẩu bị quấn cổ vì dây nhựa rác thải trôi nổi trên biển
(Hình ảnh lấy từ http://plastic-pollution.org/)
(Thực hiện tuyên truyền trên cơ sở chỉ đạo chống rác thải nhựa của Ngành Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh)