FB tuyển sinh :       Zalo tuyển sinh:        
    CHIÊU SINH - TUYỂN SINH
    THÔNG BÁO
     TIN TỨC, HOẠT ĐỘNG
Thứ Sáu - 01/12/2023
Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
  

Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!

(Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023)

 

1. Khái niệm chung:

Cộng đồng là những ai?

Cộng đồng cần được hiểu rộng, bao gồm các Bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng, các cộng đồng đích: công nhân lao động, học sinh sinh viên, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy dễ lây nhiễm HIV: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người nghiện chích ma túy, mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.

Tại sao cần phải sáng tạo trong phòng, chống HIV/AIDS?

Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là như thế nào?

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:

- Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (Hiện nay hơn 10.000 trường hợp/năm).

- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân).

- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (Hiện nay 6%).

Tình hình dịch HIV tại Việt Nam

Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1% (năm 2021); đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% (năm 2023) trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.

Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam (theo Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021). Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.

2. Mục tiêu “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt  dịch bệnh AIDS vào năm 2030”

Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS như phân tích ở trên, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã có những văn bản đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. Ngành y tế các tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện.

Đối với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp: các hoạt động truyền thông tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các sự kiện truyền thông lớn và các buổi offline với quy mô vừa và nhỏ cần được triển khai thường xuyên hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV/AIDS cao như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương…

Đối với Ngành y tế và Liên đoàn lao động các tỉnh/ thành phố, đặc biệt ở các tỉnh/thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp: cần có kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV cho công nhân, lao động nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho lực lượng lao động trước tác động của HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung: hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn

Trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng (gồm các thành viên thuộc mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tự nguyện hợp lực với nhau thành các nhóm) đã tích cực và sáng tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PREP. Các tổ chức cộng đồng có đã đóng góp phát hiện mới hơn 50% số người nhiễm HIV, giới thiệu phần lớn khách hàng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng PREP, hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đi điều trị sớm ARV và đặc biệt hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt, cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.

Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.

3. WHO tôn vinh vai trò của cộng đồng trong việc thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh AIDS

Nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS 1 tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ cùng các đối tác quốc tế đánh giá năng lực mang đến sự phục hồi, sự quan tâm và thúc đẩy sáng tạo được thực thi bởi những người lãnh đạo cộng đồng và các tổ chức trong việc ứng phó với dịch HIV.

Từ việc chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đến việc tạo cơ sở cho các biện pháp can thiệp, điều trị với chi phí vừa phải, và các dịch vụ do cộng đồng thực thi với cách chọn những người có kinh nghiệm thực tế làm trung tâm, các cộng đồng đã định hình được phương thức ứng ứng phó với HIV nhiều thập kỷ qua.

 “Những người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc sống bằng những hoạt động tích cực của họ”, Tiến sĩ Tedros cho biết. “Các cộng đồng bị nhiễm HIV đã nỗ lực để có công cụ ngăn ngừa, xét nghiệm và điều trị HIV giúp 30 triệu người được điều trị bằng liệu pháp kháng vi-rút và giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng lây nhiễm. Chúng ta sẽ dốc sức cùng cộng đồng để đến năm 2030 bệnh AIDS không còn là mối đe dọa cho sức khỏe toàn cầu.”

Nhiều thập kỷ đầu tư và nghiên cứu từ đại dịch HIV đã dẫn dắt cho những tiến bộ rộng lớn hơn trong hệ thống y tế quốc gia và y tế toàn cầu. Hoạt động ứng phó với HIV đã tăng cường các hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng mức độ phổ cập của các dịch vụ bổ trợ ngoài xét nghiệm và điều trị HIV. Các nguồn lực đầu tư và cơ sở hạ tầng có từ hoạt động ứng phó với HIV đã tạo điều kiện cho sự phản ứng mạnh mẽ và linh hoạt đối với nhiều dịch bệnh, bao gồm cả dịch COVID-19 và mpox.

Mặc dù có tiến bộ đáng kể, HIV vẫn là một áp lực đối với sức khỏe cộng đồng

Trên toàn cầu, 9,2 triệu người không được tiếp cận với phương pháp điều trị HIV cần thiết. Mỗi ngày có 1700 sinh mạng mất đi do các nguyên nhân từ HIV và 3500 người bị lây nhiễm, trong đó nhiều người không biết mình bị lây nhiễm hoặc không được tiếp cận điều trị.

Những sáng tạo trong các công cụ đối phó HIV, như một loại thuốc có dược lực mạnh mẽ chỉ cần một viên mỗi ngày để trị HIV và những phương thức xét nghiệm tải lượng vi-rút dễ phổ biến, đã đưa đến nhiều bước tiến quan trọng. Thực tế rằng những người nhiễm HIV, khi được điều trị HIV đúng chỉ định và xét nghiệm không thấy vi-rút trong máu, sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV cho bạn tình, là một trong những ví dụ cho các bước tiến này. Đây là kết quả của nhiều năm vận động và đầu tư, đồng thời là một dấu ấn để chỉ ra rằng mục tiêu để AIDS không còn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 là có thể thực hiện được, miễn là chúng ta có đủ ý chí chính trị và đầu tư bền vững.

Việc tài trợ, sự quy tội hình sự và những hạn chế áp đặt lên vai trò của những người đấu tranh cho cộng đồng đã che lấp những bước tiến mà họ đã nỗ lực để đạt được và làm chậm lại tiến độ của toàn cầu nhằm chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Nhiều cộng đồng, chẳng hạn như các nhóm cần lưu ý trọng điểm gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, những người chuyển giới, người bán dâm, người sử dụng ma túy và thanh thiếu niên, vẫn chưa được tiếp cận với các phương thức phòng ngừa, điều trị và chăm sóc mà họ cần và có quyền được hưởng. Những bất bình đẳng này tiếp tục đưa đến sự tiến bộ không đồng đều trong phòng chống HIV.

Khi chỉ còn chưa đầy 7 năm để đạt được mục tiêu này, nhu cầu cấp thiết là tiếp tục tài trợ cho các chương trình HIV để những lãnh đạo cộng đồng có thể tiếp tục đến với những người bị nhiễm. Những nỗ lực này rất cần thiết để lấp đầy khoảng trống trong việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, và giúp tất cả các quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu 95-95-95; nghĩa là hướng đến 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng bị nhiễm của mình, 95% người có chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 95% những người được điều trị phải áp chế được tải lượng vi-rút ở mức an toàn. WHO sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và kêu gọi các nhà lãnh đạo ưu tiên cho nhu cầu của phần dân số bị lây nhiễm.

“Chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu với các cộng đồng ngay bây giờ và sẽ kêu gọi hàng ngày”, Tiến sĩ Meg Doherty, Giám đốc Chương trình HIV, Viêm gan, STI Toàn cầu của WHO cho biết. “Giới lãnh đạo của những cộng đồng bị lây nhiễm có vai trò sống còn trong việc xúc tiến các hành động ứng phó với HIV, vượt qua những hạn chế về pháp lý, kinh tế và xã hội mà họ gặp phải.”

Sự đồng hành với những người sống chung và những người bị nhiễm HIV là rất quan trọng cho sự bền vững và thành công tối hậu của công cuộc ứng phó HIV. WHO sát cánh cùng các đối tác toàn cầu để đề cao và ủng hộ vai trò của cộng đồng trong việc san bằng những thiếu hụt trong xét nghiệm, điều trị và chăm sóc cho những người bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy tiến trình chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

(thực hiện nội dung tuyên truyền trên cơ sở chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh tại Văn bản số 4312/SGDĐT-GDTrH ngày 10/11/2023 về việc tổ chức Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023)

 

Các Tin Khác
 Kính gửi quý Thầy Cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023 ( 17/11/2023 10:57:41) 
 Hội nghị Viên chức, Người lao động Trung tâm GDTX tỉnh Tây Ninh năm học 2023-2024 ( 21/10/2023 11:03:21) 
 Lễ Bế giảng các lớp ĐH GDTH, GDMN và Quản lý đất đai K2020 LKĐT với trường ĐH Đồng Tháp ( 02/10/2023 10:27:08) 
 Tiếp tục thu hồ sơ các lớp đại học khai giảng trong tháng 10/2023 ( 21/09/2023 04:04:30) 
 Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng năm học 2023-2024 ( 05/09/2023 08:08:14) 
 Họp mặt cựu sinh viên LKĐT hình thức ĐTTX & VLVH thuộc trường ĐH Mở Tp. HCM ( 26/06/2023 04:45:13) 
 Bế giảng ĐH Luật k2020 và Khai giảng ĐH Luật, Ngôn ngữ Anh k2023 - Viện ĐTM&CNTT Đại học Huế ( 26/06/2023 10:43:19) 
 Dự kiến khai giảng các lớp đại học và bổ sung hồ sơ  ( 16/03/2023 09:43:24) 
 Bế giảng, phát bằng tốt nghiệp khóa 2020 và Khai giảng khóa 2023 Đại học Luật ( 02/03/2023 04:33:05) 
 Ngày Đất ngập nước Thế giới ( 17/02/2023 04:30:59) 
 Một số điều về Luật tiếp cận thông tin ( 16/02/2023 04:36:18) 
 Ứng phó với biến đổi khí hậu - Thỏa thuận Paris năm 2015 ( 14/02/2023 10:03:51) 
 Các văn bản cần biết về bảo hiểm ( 14/02/2023 07:49:28) 
 Tài liệu về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông ( 13/02/2023 04:38:54) 
 Báo cáo sơ kết Học kỳ I năm học 2022-2023 ngành Giáo dục Tây Ninh ( 06/02/2023 02:20:03) 
    VIDEO CLIP _HỌC TẬP, SINH HOẠT
    HỌC TẬP
 Thăm dò nhu cầu học tập
 Góp ý
    LIÊN KẾT WEBSITE
    LƯỢT TRUY CẬP
TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TỈNH TÂY NINH
Địa chỉ : số 2, hẻm 1, Lạc Long Quân (7, hẻm 18, NV Rốp) Kp.5, P.4, Tp. Tây Ninh
Điện thoại : (0276) 3842374; (0276) 3842375; (0276) 3841305
Fax : +GMAIL: ttgdtxtn2023@gmail.com
Email : ttgdtxtinh.tayninh@moet.edu.vn
Phát triển Bởi Công ty giải pháp Phần mềm & Website Phú lợi